Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2018

Những câu hỏi thường gặp về nghề nuôi Yến

Theo những xét nghiệm gen ADN gần đây nhất, đã có trường hợp Yến đảo về nhà tuy nhiên rất chậm và số lượng ít. Nhiều nhà Yến tại khu vực miền trung đã thất bại trong việc dẫn dụ Yến đảo về nhà  

Các tỉnh nào có thể nuôi Yến được


Hiện các tỉnh thành đang phát triển nghề nuôi Yến như sau: Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Phước, Daklak, Tây Ninh, Lâm Đồng, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP HCM, Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, An Giang, Trà Vinh và Kiên Giang.

 Tuy nhiên không phải mọi địa điểm tại các Tỉnh nêu trên đều có thể nuôi chim Yến. Thường mỗi tỉnh có một vài điểm trong bán kính 5km có thể nuôi tốt. Thêm một điểm cần lưu ý là các tỉnh từ bắc đèo hải vân chim yến thường chết hàng loạt do ko chịu được thời tiết lạnh kéo dài khi nhiệt độ xuống dưới 16 độ C.




Tôi nên chọn thanh làm tổ nào?


Thanh làm tổ vật tư chiếm tới 50 % giá trị công trình. Mỗi loại đều có ưu và nhược điểm khác nhau. Hiện nay trên thị trường có các loại thanh làm tổ sau là chủ yếu:

 • Gỗ trong nước

 • Gỗ nhập khẩu

 • Nhựa gỗ (Hợp chất giữa nhựa và gỗ)

 • Bê tông

  Đối với gỗ: đây là loại vật liệu mà chim yến ưa thích nhất, do chim yến có thể bám rất thuận lợi trên bề mặt thanh gỗ, gỗ thường hút nước tốt nên chim làm tổ nhanh hơn và có hình dạng tổ đẹp hơn Bê tông và gỗ nhựa. Tuy nhiên, quý khách cần lưu ý: không phải Gỗ nào cũng làm được, gỗ phải được xử lý đúng quy trình dành cho gỗ nuôi yến. Đảm bảo không mối mọt, không độc hại, hạn chế nấm mốc và có tuổi thọ trên 15 năm. Do đó, cùng một loại Gỗ, nếu để xử lý cho nuôi Yến thì giá thành sẽ đắt hơn từ 50 - 70% giá thành gỗ sử dụng thông thường.

  Đối với bê tông: Bê tông có tuổi thọ khá lâu, tuy nhiên khi sử dụng loại vật liệu này, chi phí xây dựng nhà sẽ đội lên do phải thiết kế kết cấu nhà có độ chịu tải cao hơn. Bên cạnh đó, yến sào từ bê tông có giá bán thấp hơn vì tổ thường dính theo sạn từ bê tông, khó chế biến và phải cắt bỏ phần chân tổ.

  Đối với thanh làm tổ bằng Gỗ pha nhựa: đây là loại vật liệu không bị mối mọt và nấm mốc. Tuy nhiên, thường bị rơi tổ vì độ bám thấp và hay bị cong vênh.

Vùng nào được coi là tập trung nhiều Yến sinh sống nhất Việt Nam?


Có hai loại chim Yến:

  1. Yến Hàng (Aerodramus Germanicus): Sống tại các đảo đá dọc bờ biển miền Trung Việt Nam như Nha Trang Bình Định, Hội An. Ngoài ra người ta còn phát hiện Yến hàng ở Cát Bà, Côn Đảo, Phú Quốc và Hòn Khoai

  2. Yến tổ trắng (Aerodramus Fucifagus): Sống trong nhà tại các tỉnh thành như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Phước, Daklak, Tây Ninh, Lâm Đồng, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP HCM, Tiền Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, An Giang, Trà Vinh và Kiên Giang. Ngoài ra còn một số tỉnh thành khác được cho là cũng có chim Yến nhưng Hoàng Yến Eka chưa tìm được địa điểm chính xác nên chưa chính thức công bố

Chi phí xây dựng một ngôi nhà Yến là bao nhiêu?


Chi phí xây dựng nhà Yến gồm 3 khoản chính:

  1. Đất đai: Tùy thuộc vào giá đất từng vùng

  2. Xây nhà thô: Dao động theo giá xây dựng từng vùng. Nhưng nói chung dao động từ 1,8tr – 2,3tr/m2 mặt sàn. Nhà Yến không cần sơn, trang trí hay các chi tiết phức tạp như nhà ở.

  3. Chi phí tư vấn, thiết bị, lắp đặt và bảo hành trọn gói: Khoảng 800.000 đ - 950.000đ/ m2 tùy theo diện tích.   Các bạn hãy cẩn thận với những công ty xây dựng bỏ giá thầu quá rẻ. Gần đây có nhiều nhà nuôi Yến ở Cần Giờ và các tỉnh phía Nam đã bị nứt gãy và nghiêng vì nhà thầu rút ruột công trình để cắt giảm giá đấu thầu. Ngoài ra có một số nhà tư vấn đưa ra giá lắp đặt thiết bị thấp bằng cách cắt giảm chất lượng vật tư và lắp thiết bị thưa hơn so với yêu cầu tiêu chuẩn.

Những lưu ý về an toàn trong nghề?


Khi bạn hỏi về vấn đề này chúng tôi cũng chia sẻ rõ hơn luôn là hai người bạn của chúng tôi tại Sông Đốc – Cà Mau và Nha Trang – Khánh Hòa đã gặp tai nạn trong quá trình xây dựng và khai thác để lại những thương tật rất nặng nề. Nghề nuôi Yến liên quan đến việc leo trèo và những hoạt động ở độ cao lớn. Xin lưu ý trong quá trình thực hiện để tránh những chuyện sinh nghề tử nghiệp. Một số kinh nghiệm của chúng tôi như sau:

 • Phải có lan can các lối đi, sân thượng và cầu thang trong nhà yến

 • Phải có dàn giáo và thiết bị khai thác chuyên dung

 • Phải có hệ thống chiếu sáng trong nhà Yến phòng khi cần đến • Lỗ ra vào đặt ở vị trí có thể đứng an toàn để lắp đặt trang thiết bị kể cả phía trong và phía ngoài nhà Yến • Không cho người không có kinh nghiệm thao tác trong nhà yến.

Những vấn đề an ninh của nhà nuôi Yến?


Nhà nuôi yến là một tài sản lớn. Đặc biệt khi chim đã làm tổ nhiều. Gần đây Hoàng Yến Eka thường có một số người đem yến đến bán mà dựa trên số lượng cũng như cách khai thác chúng tôi biết đây là hàng ăn cắp. Một số lưu ý để quý khách bảo vệ căn nhà của mình:

 • Nên có người bảo vệ tin tưởng

 • Nên lắp đặt hệ thống camera kết nối Internet và báo động hồng ngoại

• Nên lắp đặt cửa sắt kiên cố. Một mô hình chúng tôi đang áp dụng thành công hiện nay là các khu nuôi Yến tập trung được đầu tư bởi một nhóm người nuôi với chi phí bảo vệ, bảo trì được phân chia nên giảm rất nhiều chi phí và an toàn cho nhà yến của các bạn





Bao lâu thì nên thu hoạch một lần?


Tùy vào mùa và số lượng chim trong nhà quý khách.

 • Với những nhà còn ít chim (Dưới 300 con): Chưa nên khai thác, tốt nhất ta nên dưỡng đàn

 • Trong mùa sinh sản: Không nên khai thác, hãy đợi cho chim non biết bay Kinh nghiệm chúng tôi thường khai thác tỉa. Tức là khai thác ngay khi chim non đã bay khỏi ổ. Phương pháp này đòi hỏi phải tới nhà nuôi rất thường xuyên tuy nhiên an toàn nhất do bảo vệ được chim và tận dụng tối đa cơ hội khai thác tổ trước khi cặp chim khác đẻ trứng vào tổ cũ. Nhà nuôi Yến thành công nhất của chúng tôi được khai thác sau mỗi 15 ngày

Trong nhà nuôi yến cần những thiết bị cơ bản gì?


Đối với danh mục những thiết bị cần sử dụng cho nhà nuôi yến, Quý khách có thể tham khảo cụ thể chi tiết từng sản phẩm, công dụng cũng như xuất xứ và giá tại mục Thiết Bị Nuôi Yến của Hoàng Yến Eka. Tuy nhiên, sơ lược trong 1 nhà nuôi chim yến chúng ta cần những nhóm thiết bị cơ bản sau:
• Hệ thống thanh làm tổ: thanh làm tổ, tổ giả, thanh chặn góc

 • Hệ thống âm thanh: USB trong, ngoài; loa trong, ngoài, dây loa, âm li

 • Hệ thống phun sương

 • Hệ thống hóa chất tạo mùi bầy đàn • Hệ thống bảo trì nhà yến

Yến đã vào ở một nhà, mùa sau chúng có chuyển sang căn nhà khác không?


Chỉ có chim non mới tập bay mới chuyển sang nhà khác ở nếu chúng thấy có điều kiện thuận lợi hơn. Một khi chim đã làm tổ trong căn nhà, chúng sẽ không đi trừ khi căn nhà này sập hoặc cháy. Kinh nghiệm của chúng tôi khi tiếp quản nhà Yến là rạp hát Hòa Bình ở Quảng Ngãi đã cho thấy điều này. Đàn chim ở đây bị phá, phun thuốc trừ sâu và bắt hàng ngàn con đem làm thịt nhưng chúng cũng không di chuyển đi nơi khác. Sau khi Hoàng Yến Eka tiếp quản căn nhà này đàn chim đã tăng trưởng rất nhanh chóng.

Chim Yến làm tổ mấy lần mỗi năm?


• Yến hàng: trung bình 2 lần/ năm

 • Yến tổ trắng: 3-4 lần/ năm tùy vào điều kiện thức ăn có dồi dào hay không. Chim thường làm tổ sau mùa mưa bắt đầu vì đây là thời điểm có nhiều côn trùng làm thức ăn nhất.

Xác định số lượng chim và yến sào tại Việt Nam

Sản lượng yến sào khai thác thiên nhiên của Việt Nam vào năm 1996 là 3.658 kg, trong đó Khánh Hòa khoảng hơn 2 tấn còn lại là của Bình Định, Phú Yên, Đà Nẵng, Quảng Nam và các tỉnh khác. Các nhà Điểu học Việt nam và trên thế giới đã thống kê là ở Việt Nam vào năm 1996 có khoảng 186 con chim yến tổ đen và 750.000 con chim yến tổ trắng trong tổ số các loài chim yến cho tổ ăn được là 22.000.000 con gồm 8.000.000 cn chim yến tổ trắng và 14.000.000 con chim tổ đen sống ở vùng Đông Nam Á.

Số lượng chim yến chết mỗi năm khoảng bao nhiêu ?


Tuổi thọ của chim yến có thể là 10 năm nhưng tuổi thọ trung bình chỉ khoảng 3,3 năm. Các nhà Điểu học đã nghiên cứu xác định tỷ lệ tử vong của lứa chim non mới ra đời trong năm đầu là 50%. Các nhà Điểu học đã nghiên cứu trong 10 năm 1982-1992 tại Khánh Hòa và kết luận là tỷ lệ tử vong hàng năm của chim yến ở Việt Nam là 18-22%.

Tỷ lệ tăng đàn của chim yến


Căn cứ vào các số liệu thu thập được trong nhiều năm của chim yến ở Việt Nam, các nhà khoa học dã xác định được các tỷ lệ: tỷ lệ tử vong là 20%/năm, tỷ lệ sinh sản thành công của lứa sau là 60%, mỗi đôi yến cho ra 1,2 con/năm, tỷ lệ tăng số tổ năm sau là 6-8%, tỷ lệ chim yến non trẻ bị chết trong năm đầu là 50%, tỷ lệ tăng đànlà 10,3-13,2% mỗi năm.

   Khi nghiên cứu tỷ lệ chim non chết ở năm đầu tiên, các nhà khoa học đã phát hiện là hầu hết chim non trẻ sau khi rời tổ rất ít và không quay lại nơi chúng sinh ra mà tìm đến nơi ở mới. Nơi ở mới của số chim tăng đàn này có thể là các nhà yến cũ và nhà yến mới xây. Vào năm 1996, các nhà khoa học đã kết luận tỷ lệ tăng đàn của chim yến Việt Nam là 10,3%-13,2%/ năm, tỷ lệ này thay đổi tùy từng vùng và quản lý bảo dưỡng trứng và chim non.





Số lượng chim yến có thể vào ở trong các nhà yến


Việc quản lý khai thác yến sào thiên nhiên của các công ty ở Đà Nẵng, Bình Đinh và Khánh Hòa hiện nay tốt và hoàn thiện hơn. Chim yến nuôi trong nhà thì được sự chăm sóc và bảo vệ nên tốc độ tăng đàn có chiều hướng tốt nên cao hơn 10,3%, và vì còn tùy thuộc cân bằng sinh thái-môi trường và các yếu tố khác nên không thể cao hơn 13,2%/ năm. Chọn mức tăng đàn là 11,75% và tỷ lệ này không tăng giảm trong suốt thời gian từ năm 1997-2010, số lượng chim yến có thể có ở Việt Nam vào năm cuối năm 2010 là 3.349.411 con. Căn cứ sản lượng yến sào khai thác thiên nhiên năm 2010, Khánh Hòa thu 3.120 kg yến sào và các tỉnh khác khoảng 2.500 kg tăng gần gấp đôi so với năm 1996 nên có thể ước phỏng là có khoảng 1.250.000-1.450.000 con chim yến sống hoang dã trong các hang động, khoảng 1.800.000-2.000.000 con trú ở các nhà yến trong đất liền.

Lý do, vào năm 1996 khi các nhà Điểu học xác định số chim yến sống ở Việt Nam là 750.000 con, thời điểm này chim sống trong các nhà bỏ hoang trong đất liền còn rất ít. Số chim yến sống ở các nhà yến trong 14 năm (1997-2010) sinh sản và phát triển thành đàn, để đạt được số tối đa là 2.000.000 con phải do nhiều yếu tố tác động lớn của bão lụt, gió lớn, sóng thần, động đất, hạn hán… làm môi trường thiên nhiên bị biến đổi, chim phải rời bỏ các hang động vào đất liền. Các trận cháy rừng lớn ở Indonesia, Malaysia gây khói bụi ô nhiễm nhiều vùng rộng lớn làm chim yến hoang dã ở 2 nước này bay dạt về trú ở Phetchaburi, Chonburi, Hua Hin, Prachuap Khiri Khan, Chumpom, Chanthaburi, Rayong của Thái Lan, vùng cảng Shihanoukville, Koh Kong của Campuchia và các tỉnh phía Nam của Việt Nam.

 Giả định vào cuối năm 2010 số chim yến là 2.000.000 con trú ở 2.000 nhà yến, chia đều bình quân là 1.000 chim yến trú trong một nhà, có thể cho 755 tổ yến/năm gần 6,5 kg/năm. Các nhà chuyên môn đã ước định chỉ có 40-45% số nhà yến thành công, khoảng 20-25% nhà yến có thu nhưng ít và có khoảng 30-35% không hiệu quả cả năm chỉ cho vài kg tổ hay chim không về hoặc về nhưng không làm tổ bỏ đi là đúng. Số liệu này tương đối chính xác có thể chấp nhận được.

Vì sao có các nhà yến khai thác kém hiệu quả


Số phận của khoảng 30% gần 600 nhà yến khai thác không hiệu quả qui lỗi do tốc độ tăng đàn của chim chỉ ó 10,3-13,2%/ năm lên lượng cung chim yến non trẻ không đủ vào các nhà yến bùng phát trong 2 năm 2009 và 2010 là không thỏa đáng vì thực tế là có hơn 96% số nhà này đều có chim về, về ít hay nhiều, về có ở lại hay không và ở lại có làm tổ không. Đây là nguyên nhân mang tính kỹ thuật. Chủ đầu tư và các cơ sở dịc vụ kỹ thuật nhà yến biết rõ điều này nên đã trong các hợp đồng được ký kết không thấy ràng buộc số lượng chim yến về ở. Chủ đầu tư và cơ sở kỹ thuật chỉ có thể chắc chắn là chim sẽ về ở nhưng số lượng bao nhiêu và đến khi nào có chim về, vài chục hay vài trăm con thì không ai khẳng định.

 Và trong thời gian đợi chờ, những sai sót được phát hiện, vật tư thiết bị kém chất lượng, ván gỗ bị mối mọt nấm mốc và loa treble bị đứt, vận hành sai, không khí bị ẩm ướt không còn trong lành, chim yến bỏ đi…nhiều chủ các nhà yến này đã lên tiếng “Lộc trời dễ cho mà khó lấy ’’, có người chấp nhận bỏ cuộc chơi cho tháo dỡ cải sữa lại thành nhà ở, nhà kho, một số cho sữa chữa để duy trì. Một số nguyên nhân có tính kỹ thuật có thể xảy ra là:

 (1) Không điều tra kỹ nên nhà yến xây trong vùng không có hoặc có ít chim sinh sống.

 (2) Chim về nhưng môi trường bị biến động liên tục không phù hợp chim bỏ đi.

 (3) Chất lượng vật tư dụng cụ hỗ trợ kỹ thuật không đạt chuẩn hoặc lắp đặt sai, vận hành sau một thời gian bị hỏng hóc phải sữa chữa, bị mạt gỗ chim bỏ đi.

 (4) Vận hành sai gây ra nấm mốc, không khí trong nhà yến bị ô nhiễm chim bỏ đi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét