Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2018

Cách nuôi chim yến trong nhà để lấy tổ và Phương pháp thu hoạch tổ yến có hiệu quả nhất

Ngày nay, mô hình nuôi Yến tại nhà không còn xa lạ nữa và đặc biệt đã rất thành công tại những tỉnh miền Trung và khu vực Đông Nam Bộ. Thế nhưng, đa phần những người nuôi Yến hiện nay ít nắm bắt được hết những kỹ thuật nuôi Yến một cách rõ ràng, đa số chỉ là những kỹ thuật "chắp vá" được, do đó những dịch vụ tư vấn nuôi yến là rất cần thiết.

1. Thiết kế xây dựng nhà nuôi yến


Với việc thiết kế nhà nuôi Yến, chúng ta không cần phải bỏ ra số tiền đầu tư lớn mới mang lại căn nhà chắc chắn, mà sự lựa chọn thông minh chính là tìm cách sao cho chi phí đầu tư thấp nhưng mang lại hiệu quả tối đa, đó mới là xây dựng việc nuôi yến bước đầu thành công. Các kiểu mẫu nhà nuôi yến hiện nay rất đa dạng như nhà ở cải tạo thành nhà yến, nhà trệt, nhà cấp 4, nhà cao tầng, xây tường 20cm, tường 10cm, đổ bê tông vĩnh cữu, lợp mái tôn chống nóng,...

Tùy từng người có điều kiện kinh tế từng gia đình, từng vùng miền, từng điều kiện khí hậu mà ta có thể xây dựng những nhà yến khác nhau để phù hợp với túi tiền của mình và đảm bảo được đầy đủ các yếu tố kỹ thuật như nhiệt độ , âm thanh, ánh sáng, độ ẩm..... Đây là điều kiện tiên quyết quyết định việc nuôi yến có thành công hay không, vì vậy, nếu xây dựng một nhà nuôi yến trong nhà đúng kỹ thuật thì chắc chắn sẽ thành công và ngược lại. Do đó trước khi bắt tay vào việc xây dựng bạn cần được các chuyên gia tư vấn nuôi yến tư vấn 1 cách cụ thể, chi tiết dựa trên điều kiện cụ thể của mình.





2. Nghiên cứu về tập tính của loài chim Yến


  Vì sao phải làm công việc này? Các chuyên gia tư vấn về cách nuôi Yến khuyên rằng, mỗi loài chim có mỗi đặc tính khác nhau, nhưng đây là một loài chim khó tính. Mặc dù bạn đã có sẵn một mô hình nuôi chim thành công, nhưng nếu bạn không tìm hiểu liên tục về đặc tính của nó thay đổi theo từng mùa, cũng dẫn đến nhiều rủi ro trong việc thu hút loài chim này về nhà Yến của bạn. Ở nước ta hiện nay có một số loài chim Yến khác nhau tiêu biểu như: Yến cỏ Việt Nam (có sải cánh to 14-16cm), Yến cỏ cây dừa (Đuôi nhọn sẻ đôi, thường đậu cây dừa), hay Yến hàng và Yến tổ trắng,....mỗi loài có mỗi đặc tính khác nhau như Yến tổ trắng thường khởi động trước khi kiếm ăn vào buổi sáng, thích chỗ tối, thích độ ẩm cao, thích chơi đùa với nước,....

 Đây chỉ là một vài nét tiêu biểu của một vài loài chim Yến, nên nhiệm vụ của bạn bây giờ là phải tìm hiểu hết nhiều đặc tính của nhiều loài chim yến càng tốt, ghi chép lại và tìm ra cho mình một phương pháp hữu hiệu để kết hợp chúng lại hiệu quả trong một nhà yến.

3. Điều kiện môi trường nhà Yến ra sao ?


Môi trường xung quanh nhà nuôi yến nên theo tỷ lệ như sau: 50% cây bụi, đồng lúa, 30% cây cao, và 20% mặt nước. Bởi tỷ lệ này sẽ giúp nhà Yến của bạn mang một phong thái thiên nhiên và đúng với sở thích của nhiều loài chim Yến, giúp thu hút chúng về ngôi nhà của bạn sinh sống. Lỗ ra vào của chim Yến quyết định khá lớn lượng chim Yến vào nhà, đó là những lỗ như lỗ trên chuồng cu và lỗ ngang. Việc mở lỗ ra vào phải đúng hướng đây là điều quyết định thành công của căn nhà nuôi chim Yến. Lỗ ra vào có thể lớn (80x40cm) trong quá trình dụ chim ban đầu và thu nhỏ lại (50x20cm) sau khi chim vào nhà ở và nên nhớ rằng nên làm ống chắn sáng tại lỗ. Tường nhà nuôi Yến có thể làm bằng gỗ, ván cách nhiệt hoặc là gạch lỗ xây 2 lớp.

Trần nhà có thể dùng ván gỗ, bê tông tổng hợp hoặc bê tông dùng đổ mê trong xây dựng đều được cả. Về mái nhà nuôi Yến nên thiết kế một độ nghiêng thích hợp vì điều kiện này có thể ảnh hưởng đến độ nóng của nhà nuôi. Bạn có thể dùng tôn, ngói, bê tông để làm mái nhưng đừng nên đổ nước lên mái nhà vì như thế độ ẩm trong nhà Yến sẽ không ổn định. Nuôi yến trong nhà là một nghề không chỉ đòi hỏi người nuôi yến phải có nghệ thuật mà việc áp dụng những kỹ thuật công nghệ là hết sức cần thiết. Người nuôi chim cần vạch ra chương trình thu hoạch lý tưởng và phù hợp. Phương pháp và chương trình thu hoạch lý tưởng đó phải tính toán đến một số điều sau đây:

 * Tổng lợi nhuận của mùa vụ tính trong cả 1 năm. Không gây hại hoặc làm kém đi mùa thu hoạch tới.

 * Tạo cơ hội và điều kiện đầy đủ nhất để chim yến phát triển và quần đàn không giảm sút. Làm sao tăng thêm nhiều thế hệ và cho chim tự ấp nở nhiều hơn khi thấy quần đàn chim yến bị giảm.

 * Phải tính toán đến mối quan hệ mùa khô ráo và mùa mưa vì chim con nở ra phải vào lúc thức ăn thiên nhiên phong phú, có sẵn. Điều này hết sức quan trọng để chim yến sinh sống. Trên cơ sở đánh giá 1 cách tổng hợp về các phương pháp thu hoạch, mùa vụ tự nhiên, điều kiện môi trường, chất lượng tổ yến… có thể gợi ý 1 phương pháp thu hoạch lý tưởng như dưới đây:





Thu hoạch lần đầu theo phương pháp để cho chim tự ấp nở.


Thu hoạch tổ yến thích hợp khi chim đã làm tổ gần xong, nhưng chưa đẻ trứng. Tốt nhất là thực hiện khoảng 10 ngày trước khi đáng giá được là chim yến sẽ đẻ trứng, như vậy đủ cơ hội và thời gian để chim làm tổ lại 1 cách nhanh chóng. Nếu thời gian lấy trứng sát vào ngày chim đẻ trứng thì chim sẽ cảm thấy lo lắng. Nhìn chung với phương pháp này hình dáng tổ kém hoàn chỉnh và mỏng.

Thu hoạch lần 2 theo phương pháp cưỡng đoạt.


Nghĩa là chờ cho chim đẻ xong 2 quả trứng nhưng chưa ấp. Không nên thực hiện phương pháp loại bỏ trứng trong khi trong tổ mới có 1 quả trứng, điều này có thể làm cho chim yến kinh hãi và có thể sẽ bỏ đi nơi khác. Với phương pháp này, trứng loại ra có thể sử dụng để tăng quần đàn chim bằng cách ký gởi trứng của nó vào tổ chim yến bụng trắng để chim này ấp hộ, hoặc bán cho những người yêu cầu hoặc ấp nở nhân tạo.

 Để việc thu hoạch trứng 1 cách hiệu quả, ta cần sử dụng dụng cụ kiểm tra (gương soi có cần dài). Với dụng cụ này không cần chạm vào trứng vẫn đếm được số lượng trứng có trong mỗi tổ. Chất lượng của mùa thu hoạch này khá tốt, hình dáng tổ hoàn chỉnh và dày.

Thu hoạch lần 3 với phương pháp bỏ trứng lấy tổ


Tổ chim đã có 2 trứng nhưng chưa nở. Trứng sẽ bị loại bỏ hoặc đem sử dụng với mục đích khác. Chất lượng và tai tổ tốt hơn so với lần thu hoạch đầu và thứ 2 và hình dáng tổ khá hoàn chỉnh.

Thu hoạch lần 4 với phương pháp cho chim tự ấp nở trứng .


Xảy ra sau khi chim con có thể tự bay đi kiếm mồi, vào lúc chim con được khoảng 45 ngày tuổi. Với cách thu hoạch muộn này chất lượng tổ yến kém, hình dạng bắt đầu hư hỏng, nhiều chất bẩn, lông, vỏ trứng và các thứ khác. Phương pháp thu hoạch này thích hợp vào đầu mùa mưa, mùa có sẵn thức ăn thiên nhiên, cung cấp đầy đủ cho chim con lớn lên bình thường. Điều này có lợi cho phát triển quần đàn yến. Ngưởi nuôi chim cần bố trí cho mình một kế hoạch khai thác thu hoạch tổ yến phù hợp với đặc trưng về khí hậu và sinh học chim của từng vùng thì mới có thể vừa nhận được sản lượng cao chất lượng tốt mà quần đàn yến lại phát triển.  





Khi vào thu hoạch tổ chim cần chú ý :


* Thời gian chính xác nhất để thu hoạch tổ là từ 9h-16h00, đó là lúc chim đi kiếm mồi. Nếu thường xuyên tiến hành thu hoạch vào lúc chim đi vào ngăn chuồng hoặc đang bay ở phòng nghỉ phía ngoài thì chim sẽ tản ra rồi dời đến chỗ khác, nơi cảm thấy an toàn hơn. Nghiêm cấm tiến hành thu hoạch hoặc đến gần chim vào ban đêm, điều này có thể làm xáo trộn cuộc sống của chim

. * Thời gian lấy tổ và sự phân bố của các tổ lấy đi đều cần phải chú ý làm sao để chim không bối rối và có thể giúp nó làm tổ trở lại chỗ ban đầu.

 * Thời điểm thu hoạch cũng là lúc kiểm tra và loại bỏ các yếu tố địch hại đối với chim, làm sao cho sản phẩm không bị thất thoát.

 * Để cho tổ chim yến không bị gãy, tổn thương thì trước khi lấy tổ đi phải phun nước xung quanh chỗ tổ gắn vào xà gỗ. Tiếp đến dùng dao mỏng (dài 10cm, rộng 5cm) để gạt hớt nó. Đưa thanh dao vào giữa lớp tổ và tường đá hoặc xà gỗ sau đó quay nghiêng một góc 45 độ thì tổ sẽ bung ra khỏi chỗ bám. Nếu làm không cẩn thận tổ yến sẽ bị gãy vụn và kém giá trị.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét